Câu chuyện hướng nghiệp cho con

Hướng nghiệp cho con luôn là vấn đề đau đầu bậc làm cha mẹ. Để bọn trẻ tự lựa chọn thì sợ chúng nông nổi, sai lầm, hỏng cả tương lai. Nhưng khi cha mẹ ép con theo ý mình thì lại hay vấp phải sự phản đối – đôi khi vô cùng quyết liệt từ phía con cái.

Hướng nghiệp cho con
Hướng nghiệp cho con

Hai vợ chồng tôi chỉ có một đứa con trai, năm nay 20 tuổi, đang là sinh viên năm hai ngành quản trị kinh doanh. Theo truyền thống gia đình (gia đình tôi kinh doanh nghề xe cộ từ xưa), sau khi cưới nhau, tôi và vợ nhận vốn của cha mẹ, mở một trạm cho thuê xe du lịch. Đến nay chúng tôi đã gầy dựng được một cơ ngơi kha khá, với hơn 10 chiếc xe cho thuê.

Ngay khi con còn bé, chuyện hướng nghiệp cho con đã là chủ đề gây tranh cãi của vợ chồng tôi. Tôi muốn con nối nghiệp gia đình và phải dạy con từ bé. Vợ tôi không đồng ý. Cô ấy bảo con còn nhỏ, làm sao biết con có năng khiếu hay yêu thích ngành nào mà “hướng với dẫn”. Cô ấy muốn để con tự do phát triển, đến chừng nào chạm ngưỡng đại học rồi hãy tính. Vợ tôi còn bảo: “Làm nghề kinh doanh xe có tiền thật, nhưng không sang. Biết đâu con mình tương lai học giỏi, làm ông này bà kia, vinh quang hơn”(!?)

Bản thân tôi cũng muốn con mình học giỏi, làm ông này bà kia lắm chứ, nhưng liệu thực tế có dễ dàng. Hơn nữa, con tôi lại là con một, cái cơ ngơi của tôi và vợ làm lụng cả đời sau này nó không quản thì ai? Nếu cứ mộng ông này bà kia, không may khi con tôi lớn lên, làm nhà nước chỗ ngon thì đấu đá kèn cựa, chỗ tệ thì lương ba cọc ba đồng, còn làm cho tư nhân thì suy cho cùng cũng chỉ là thằng làm thuê, liệu có thoải mái bằng làm cho chính bản thân mình như tôi và vợ bây giờ?

Nghĩ là làm, tôi cương quyết thuyết phục vợ: “Em cứ để anh hướng con theo nghề gia đình. Anh chỉ dạy nó yêu nghề xe, truyền cho nó kinh nghiệm chứ đâu có bảo nó bỏ học văn hóa mà em sợ. Lớn lên, nếu con học giỏi, muốn làm ngành khác cũng đâu có sao. Còn chẳng may lỡ bước sa chân thì vẫn còn cái nghề gia truyền để thủ thân”.

Thế là ngay khi con còn nhỏ, tôi đã uốn con theo ý mình, ngầm dạy con yêu nghề xe một cách khéo léo. Khi con tôi 10 tuổi, thùng đồ chơi của nó phần lớn là mô hình xe cộ, các loại xe hơi điều khiển từ xa. Tôi cũng chịu khó lùng mua cho con các loại sách nói về lịch sử phát triển ngành xe hơi, sách về các cuộc phiêu lưu, du lịch đường xa bằng xe hơi, xe máy…

Khi con tôi khoảng 12 tuổi, tôi bắt đầu cho con tiếp xúc với nghề. Mỗi khi nó nghỉ hè, tôi giao việc ở nhà cho vợ, lấy một chiếc xe 45 chỗ, tự mình làm tài xế, dắt con theo làm “lơ phụ”. Thế là con tôi vừa được đi chơi đó đây, vừa học được nhiều kinh nghiệm quý báu trong nghề.

Đi với tôi chừng hai – ba mùa hè, con tôi trưởng thành thấy rõ. Nó đã thuộc đường sá TP.HCM đi Đà Lạt, đi Nha Trang… Nó biết thuần thục công việc lơ xe, biết canh cho tôi de xe, biết châm nước, biết chùi sạch kính, biết vệ sinh xe… Mỗi lần xe trục trặc, nó học thêm được một bài học mới.

Năm 15 tuổi, xe vừa nổ vỏ là con tôi chạy xuống lấy đủ đồ nghề trong hầm rồi lui cui phụ tôi thay vỏ, hay nghe tiếng bánh xe kêu “tách tách” là nó tự biết lấy đồ cạy những viên đá nhỏ mắc trong vỏ xe; xe hết dầu giữa đường là nó tự động chạy ra sau “xả gió”… Cứ như vậy, mỗi mùa hè trôi qua, con tôi càng thêm yêu nghề và hiểu rõ công việc của tài xế.

Tôi dạy con trên đường thì vợ tôi khéo léo dạy con công việc điều hành trạm xe ở nhà. Năm lớp 11, vợ tôi giao một số việc dễ dàng cho con tự làm, có trả lương hẳn hoi. Chúng tôi chỉ trông chừng và nhắc nhở khi con làm sai. Có lương, con tôi hăng hái làm việc hẳn lên và giảm thời gian vui chơi lại. Không lâu sau, nó đã nắm vững công việc, biết điều xe sao cho hợp lý, biết loại xe này chạy 100km thì mất bao nhiêu lít dầu, biết loại xe kia sửa máy lạnh thì hết bao nhiêu tiền…

Tuy hướng con theo công việc gia đình, nhưng tôi và vợ chưa bao giờ để con xao lãng hay xem nhẹ việc học. Hết lớp 12, con tôi đậu đại học và theo ngành quản trị kinh doanh. Nó tự động nói với cha mẹ: “Học xong con sẽ về mở rộng việc kinh doanh của trạm xe mình hơn nữa”. Khi đã luống tuổi, tôi và vợ còn mong gì hơn thế. Vài năm sau nó ra trường, tôi và vợ phụ con thêm một thời gian nữa là có thể an tâm dưỡng già. Tôi mừng vì kết quả ngày xưa “uốn cây từ thuở còn non” của mình…

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *